25/7/16

Một số vị thần biển

   Ngoài Ông Nam Hải ra thì ngư dân còn tôn thờ và kiên nễ một số vị thần biển như Ông Lược, Ông Sứa, Bà Tím, …
Ông Lược (cá heo)
   Ông Lược là một tướng của Ông Nam Hải nhưng thân hình nhỏ hơn, dài từ 1 đến 3 mét. Đầu tròn, trơn láng, mỏ nhọn, đuôi to xòe ngang như đuôi tôm, lưng đen tuyền, bụng trắng, có vú, cân nặng chừng vài trăm ký. Ngư dân tin ông lược là đệ tử của chư vị Thủy Thần.
   Theo huyền thoại, ông Lược là hậu thân của một thầy sải. Tục truyền ngày xưa có thầy sải một hôm mang một pho kinh đi tặng cho một vị hòa thượng. Khi qua sông, đò chìm, thầy sải lội được lên bờ, soạn lại hành trang thì mới hay pho kinh đã trôi mất. Thầy bèn lội xuống lặn hụp để tìm lại pho kinh, thầy lặn hụp mãi đến kiệt sức và chết chìm, hồn thiêng hóa thành ông Lược, tiếp tục lặn hụp để tìm kiếm pho kinh.
   Ông lược rất hiền lành, không bao giờ phá hại ngư dân mà còn giúp đỡ họ trong khi hành nghề. Mỗi khi thấy ông Lược nổi lên chổ nào, ngư dân cho rằng ông Lược gọi đến để đánh cá, họ liền đến đó để đánh và thường là mực vì mực là thức ăn khoái khẩu của ông Lược. Có lúc hành nghề trong nhiều ngày không được cá mà gặp ông Lược nổi lên cả bầy lội quanh ghe thì ngư dân tin rằng ông Lược cản đường để báo cho biết một nguyên do huyền bí nào đó đã làm cho không đánh được cá (chẵng hạn như xúc phạm đến thần linh hay ghe bị nhơ uế hoặc bị ếm bùa…). Ngư dân liền lễ tạ và trở về rước thầy cúng để giải trừ.
   Ngư dân trong thôn tin rằng có những người biết ếm bùa, phép ếm bùa đó gọi là phép “chấn”, khi ếm thì ghe nghề bị ếm sẽ làm ăn không được. Việc bị ếm có thể do thù vặt như xin cá không cho hoặc mượn tiền không cho… Cách ếm của mỗi người khác nhau và cũng có nhiều cách giải trừ.
   Ngư dân nếu thấy Ông Lược nhảy vọt lên cao, lăn tròn vài vòng rồi rớt ùm xuống nước thì nói là “Ông lược ngứa mình” tức là ra điềm báo trước gió sẽ đổi hướng một cách bất thường. Nếu thấy ông lược lội từng đàn từ hướng bắc về hướng nam thì họ gọi “ông Lược rướt gió” tức là hôm sau sẽ có gió nồm.
   Mặc dù không được tôn kính bằng Ông Nam Hải, nhưng Ông Lược vẫn được ngư dân tôn thờ và kính nể. Khi ông Lược “luỵ” ngư dân cũng tiến hành chôn cất theo đúng cỗ lệ và thỉnh hài cốt vào thờ trong lăng. Hiện trong lăng ông của thôn có nhiều bộ cốt Ông Lược, những bộ cốt này được xếp vào các rương, các rương này lớn nhỏ tuỳ theo kích thước bộ cốt và được đánh dấu “thượng” “hạ” bằng chữ hán ở hai đầu để ngư dân xếp cốt cho phù hợp.

Ông sứa (cá mập voi)
   Một tướng của cá ông, thân hình to lớn, đuôi đứng như đuôi các mập, mắt tròn, đầu lớn, không có lỗ đạo trên đầu như cá ông. Mình có bông, đặc biệt miệng thường hả ra. Theo lời truyền khẩu của ngư dân thì khi xưa ông Sứa cũng được tôn thờ như ông Nam Hải, nhưng một lần phạm tội sát sinh trong khi ăn một đám ruốc gần bờ biển đã vô tình nuốt sống một trẻ nhỏ đang lội xúc ruốc. Vì thế đã bị Ngọc Hoàng giáng chức và trừng phạt phải luôn hả miệng để khỏi tái phạm tội giết người. Do đó mỗi lần ông Sứa ăn mồi một phần vô bụng một phần chạy thoát ra từ mép và hai mang. Ông sứa hiền lành, không hại người, tuy nhiên thỉnh thoảng tung phá rách hết lưới trong khi mê mồi. Tuy không được tôn thờ như ông Nam Hải và ông Lược nhưng ông Sứa vẫn được ngư dân tôn kính và không dám xúc phạm.

Bà Tím
   Bà Tím tức Đệ Bát Thánh Phi Nương Nương hay Công chúa thủy tề là một loài rùa biển lớn, thân hình có nhiều đặc điểm và màu sắc kỳ lạ, có nơi gọi là đồi mồi mỏ đỏ. Con nào trên mai có 13 vảy là loại thường có thể ăn thịt được. Còn bà Tím thì có đặc điểm khác, trên mai có 15 vảy, trong vảy có hình bông mai ẩn hiện, giữa mai nổi lên lên ba sóng khế lớn, hai bên có bốn sóng khế nhỏ, bốn chân hình rẻ quạt, đầu như chim phụng có mồng, mỏ đỏ và nhọn, cổ vàng, hầu đỏ, mắt giống mắt người. Những con lớn thì gọi là bà Tím hoặc bà Tám, còn những con nhỏ thì gọi là cô Tím hoặc cô Tám.
   Theo tín ngưỡng của ngư phủ, mỗi khi vừa ra biển mà gặp bà tím nổi lên trước đầu ghe, nếu ngó về trước là điềm may ngày đó thế nào cũng trúng cá; nếu bà Tím hướng đầu về phía mũi ghe thì là điểm xấu, sẽ không đánh được cá, đó là bà Tím báo cho biết ghe đã bị người khác ếm đối, ghe bị ô uế hoặc có người xúc phạm thần linh vì vậy phải lo cúng kiến giải trừ mới làm ăn được.
   Không một ngư dân nào dám xúc phạm đến bà Tím. Việc cúng kiến bà Tím cũng rất đơn giản, lễ vật là một bộ tam sên (một miếng thịt heo, tôm, trứng vịt luộc) bông chuối và một lốt hình rùa bằng tre dán giấy vẽ màu sắc như thật, cúng xong thả hết xuống biển. Theo như lệ xưa, mỗi khi cúng Bà Tím, ngư dân phải nhờ thầy xem quẻ bằng giò gà để chọn giờ linh ứng, thường thường vào khoảng 4 đến 6 giờ sáng.

Một số loài đẻn
- Mộc Trụ Thần Xà: Là một loại đẻn (rắn biển), dài khoảng 40 phân tức tương đươc với một thước một ngày xưa vì vậy nên ngư dân gọi là Bà Mộc. Bà Mộc có thân hình hơi dẹp, lưng đen, bụng vàng, miệng đỏ, trên đầu có chữ “Nhâm”, đuôi có 3 chấm trắng tròn như mặt trăng.
-  Bà Lạch: cũng là một loại đẻn đầu có mồng và có chữ Nhâm, ít xuất hiện trên mặt biển.
- Ông Hèo: là loại đẻn lớn, mình tròn bằng cổ tay (giống cây hèo để đánh đòn ngày xưa nên gọi là ông Hèo). Màu vàng nhạt, trên mình có lằn đen cách nhau 2 phân, trên đầu có chữ nhâm, là loài có nộc rất độc.
- Bát Bửu Công chúa tức Cô Hồng: là một loài đẻn có nhiều màu sắc, đầu có mồng. 
   Đây là những loại đẻn có nọc rất độc, ai bị cắn thì sẽ chết ngay, không có thuốc nào chửa kịp, ngư dân không dám động đến vì nọc độc và biết tầm thù. Ngư dân không thờ cúng nhưng rất kính nể, không bao giờ xúc phạm vì họ cho rằng Bà Mộc, Ông Hèo, Bà Lạch, Cô Hồng là đệ tử của Bà Tím, những vị đệ tử này có bổn phận thi hành lệnh trừng phạt những ai xúc phạm đến thần linh.