Làng Tân Phụng (xã Mỹ Thọ) định vị trên một vùng cát rộng chừng 20 km2, có chiều dài bờ biển chừng 7 cây số, cách trung tâm huyện Phù Mỹ về phía đông gần 20 km đường chim bay. Nói đến Tân Phụng là người ta nghĩ ngay đến thắng cảnh: Mũi Rồng, Bãi Bàn, Đá Dựng – nơi hội tụ của hàng nghìn lượt du khách trong những ngày lễ, ngày tết. Người ta biết đến Tân Phụng còn là căn cứ địa của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến gắn liền với những tên gọi: Gò Dựa, Hòn Đụn… đã đi vào lịch sử bằng những trận chiến khốc liệt, được nhà nước công nhận là những địa danh anh hùng.
Chúng tôi về Tân Phụng khi tiết trời đã
chuyển sang đông, từ trụ sở Ủy ban xã Mỹ Thọ, chúng tôi phóng xe xuôi về hướng
đối diện với những cồn cát đang phơi mình trong gió nắng, băng qua đoạn đường
vừa mới được khai thông. Anh bạn đồng nghiệp ở Đài truyền thanh huyện cùng đi
với tôi, có vẻ am hiểu nhiều về tuyến đường ra biển này: “Cậu là người có diễm
phúc đấy, lần đầu tiên đến lại đi được bằng phương tiện xe máy trên đoạn đường
này… Trước đây, chỉ có một năm thôi, mình đến phải cuốc bộ gần 2 km trên một
đụn cát là cát, gian nan lắm”. Sau này chúng tôi mới biết để tạo điều kiện cho
việc đi lại dễ dàng thông suốt, nhân dân trong làng đã tự nguyện chung sức
chung lòng đầu tư 100 triệu đồng để thi công công trình độc đáo này.
Chưa
đầy 30 phút đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm làng. Nhà của đồng chí
cán bộ thôn nằm sát ngay mé biển, sóng vỗ vào chân móng ì oạp. Tôi dõi mắt nhìn
ra một góc biển nơi có hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân đang đậu san sát. Như
chợt hiểu ý tôi, anh Nguyễn Bổn, Bí thư Chi bộ nói: “Đấy là thuyền đánh cá của
bà con vừa đi xa về cập bến, chuẩn bị chuyển sang Vĩnh Lợi để tìm chỗ trú qua
mùa biển động sắp đến!”. Những năm gần đây di chuyển ngư trường đã trở thành
thông lệ hàng năm của ngư dân làng Tân Phụng này. Một năm bà con chỉ dừng chân
ở biển nhà ba tháng (từ tháng 1, 2 và tháng 3), từ giữa tháng 3 trở đi là họ di
chuyển ngư trường vào biển Bình Thuận, Ninh Thuận hay đi Quảng Bình, Hải Phòng,
đánh bắt tháng này qua tháng khác. Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 thì tất cả
không hẹn lại tìm về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình… Di chuyển ngư trường đã
trở thành thông lệ. Thật không đơn giản tí nào đối với ngư dân Tân Phụng cách
đây 18 năm về trước bởi lẽ nó gắn liền với điều kiện là vốn liếng, là sức
người, sức của - Mà những cái đó bà con quá xa vời.
Ngày ấy… chiến tranh vừa kết thúc. Tân Phụng
còn lại chưa đầy 100 nóc nhà tranh xiêu vẹo, xơ xác vì bom đạn cày xới. Cả làng
chỉ trông vào 10 chiếc thuyền có mã lực 10CV hiếm hoi còn sót lại để mưu sinh
hàng ngày. 7 năm sau làng mới có tổ hợp nghề cá ra đời nhưng chưa có một tổ hợp
nào có thuyền mã lực lớn. Gọi là tổ hợp cho có hình thức chứ mạnh ai nấy làm,
vai trò của tổ hợp không giúp ích gì cho những hộ nghèo khó, việc đánh bắt hải sản
chỉ quanh quẩn trong ngư trường địa phương. Nạn thiếu ăn đã trở thành vấn đề
nóng bỏng. Nhất là những ngày dài nằm chờ đợi cho qua mùa biển động. Có đến
trên 50% hộ gia đình phải cầm cự bằng những bát cháo loãng…
Thế rồi cơn lốc cơ chế thị trường đã vượt
qua những cồn cát mang hơi thở mới đến cho bà con. Như một phép màu nhiệm thần
kỳ, làng biển Tân Phụng nhanh chóng được hồi sinh. Không có vốn lớn thì bà con
liên kết hùng vốn lại với nhau, mạnh dạn mua sắm thuyền có mã lực lớn để di
chuyển ngư trường đánh bắt ra xa hơn rồi vươn ra ngư trường của tỉnh bạn. Bắt
đầu từ năm 1992, bà con lại sớm may mắn được tiếp nhận nguồn vốn vay từ quỹ
quốc gia. 40 triệu/12 hộ, rồi 20 hộ/100 triệu. Nhờ đó chỉ có 5 năm mà số thuyền
đánh bắt của thôn đã phát triển lên đến 125 chiếc lớn nhỏ, trong đó thuyền có
mã lực từ 30 CV trở lên chiếm 60%, 99% thuyền đều di chuyển ngư trường, sản
lượng đánh bắt hàng năm tăng bình quân từ 500 – 1.000 tấn, riêng năm 1993 đạt
trên 3.000 tấn tăng gấp 3 lần so với năm 1987. Bình quân mỗi chiếc, sau một
tháng di chuyển ngư trường về đạt mức doanh thu gần 200 triệu đồng…
Đến
nay, qua số liệu điều tra gần đây cho thấy, trong tổng số 510 hộ gia đình đã có
30% hộ giàu (hộ có thu nhập bình quân từ 30 – 40 triệu đồng/năm); 40% hộ có đời
sống trung bình, 80% ngôi nhà đã được ngói hóa, 70% hộ có cát séc, 30 % hộ có ti
vi. Điều đáng nói là Tân Phụng đã có 80% hộ có điện thắp sáng nhưng không phải
là dòng điện của Nhà nước truyền tải mà do chính các hộ gia đình ở đây đã tự
giác góp vốn để đặt 4 máy phát diezen; đã có hộ gia đình mạnh dạn bỏ ra trên 20
cây vàng làm nhà máy đá để kinh doanh việc đông lạnh thủy hải sản tại chỗ, nhờ
đó bà con không còn phải lo âu khi thuyền về đầy ắp cá tiêu thụ không kịp nữa…
Bây giờ ngồi nghĩ lại những ngày cam go vật
lộn với cái ăn cái mặc ấy – anh Bí thư Chi bộ kết thúc cuộc chuyện trò với
chúng tôi: - càng thấy ý nghĩa của cuộc sống hôm nay có giá trị biết nhường
nào. Mỗi khi đến mùa biển động, thuyền về neo bến không còn cái cảnh húp cháo
loãng cầm hơi như trước.
Buổi chiều
nắng đã dịu hẳn, đáp ứng lời đề nghị của tôi, các anh cán bộ ở thôn lại cùng
chúng tôi lội ngược lên hướng Mũi Rồng. Từ xa tôi đã nhìn thấy một dãy núi cất
mình ra biển, với thế nằm trông không khác gì mũi con Rồng thật mới đẹp và kỳ
vĩ làm sao. Lọt vào bên trong Mũi Rồng, tôi có cảm giác như đang ở trong một
tòa nhà thiên nhiên lộng lẫy. Nhìn về khơi xa qua cửa hang, mặt biển hiện lên
giống như một bức tranh của một họa sĩ trứ danh nào đó… Biển Tân Phụng quả là
đẹp thật, và cũng hào phóng biết bao.
Tác giả: Minh Trung (02/12/1994)