5/11/15

Núi Tân Phụng

Thôn Tân Phụng được hai ngọn núi che chắn đó là núi Cấm ở phía đông và núi Gò Dưa ở phía bắc.
Núi Cấm
Núi nằm phía đông thôn, điểm cao nhất khoảng 142m so với mực nước biển. Núi chạy dọc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và được bảo vệ trước sự bào mòn của biển nhờ vách đá phía đông. Vách đá phía đông Núi Cấm kéo dài từ Mũi Rồng ra đến Ngõ Đuôi (có thể trước đây vách đá này kéo dài đến Vách Nhất, Vách Nhì, Vách Ba tại vùng biển Bãi Bàng). Phía nam của vách đá này có một đoạn bị đứt gãy tạo thành Mũi Rồng và vết đứt gãy đó tạo nên một tường đá thẳng đứng như một nhát đao chém vì vậy người ta gọi là Đá Chém. Loại đá tạo nên vách đá phía đông núi Cấm khác với loại đá chẻ tại các khu vực khác như núi Gò Dưa, hòn Đụn, hòn Nhàn, hòn Tranh hay Đá Dựng.
Ảnh chụp Núi Cấm - Tân Phụng năm 1967 - Photo by Cliff Richard

   Xưa kia, núi này có tên là Kê Khê Sơn, sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” có đoạn viết về núi này như sau: “Kê khê sơn: Tại đông huyện, nhất danh lạc phụng sơn. Đông chẩm hải tân, cách tân viết Quy tự, Đồn tự. Kỳ bắc hữu Qua Phụ sơn. Tây vi sa chử, nam hữu bạch sa động. Nhất danh núi cửa, giáp Đề Di hải khẩu” tạm dịch là “Núi Kê khê: nằm tại phía đông huyện, còn có một tên gọi khác là núi Lạc Phụng. Phía đông giáp với bờ biển, cách bờ biển có Đảo Quy, Đảo Đồn. Phía bắc có núi Qua Phụ. Phía Tây có bãi cát trắng. Phía nam có động Bạch Sa, còn gọi là Núi Cửa, giáp với cửa biển Đề Di”. Như vậy núi Cấm trước đây còn có một tên nữa là Lạc Phụng Sơn, Lạc Phụng có nghĩa là nơi chim Phụng đậu xuống tức là nơi đất lành. Có thể tên núi Lạc Phụng và thôn Tân Phụng ngày nay là có quan hệ với nhau.
   Ngày nay người ta gọi là núi Cấm, tên này bắt đầu được đặt từ lúc nào thì không ai rõ. Một số người cho rằng để bảo vệ núi nên dân trong thôn đã thống nhất đặt ra lệnh cấm lên núi chặt cây phá núi từ đó mới có tên này. Giai đoạn thập niên 1980, 1990 trong thôn có một đội chuyên đi phạt những người lên núi chặt cây tươi về làm củi. Những năm gần đây việc nấu nướng đã chuyển sang dùng điện, gas là chủ yếu nên nhu tình trạng lên núi chặt củi cũng giảm.
Núi Gò Dưa
   Phía bắc của thôn Tân Phụng là núi Gò Dưa, núi này chạy theo hướng Bắc – Nam. Núi có 3 đỉnh chính, trong đó đỉnh phía nam là cao nhất với chiều cao khoảng 126m so với mực nước biển; đỉnh nằm giữa có chiều cao thấp hơn, trên đỉnh giữa có hòn đá giống hình con heo nên người ta thường gọi là Đá Con Heo; đỉnh phía bắc có tên gọi là đỉnh Gà Gô. Ở sườn phía đông của đỉnh Gò Gô, tại vị trí cách mực nước biển khoảng 50m có một ngọn hải đăng tên là Hải đăng Hòn Nước (hay Hải đăng Vũng Mới). Trước đây núi này có tên là Qua Phụ Sơn (nghĩa Hán - Việt là Gò Dưa). Ngày nay người dân của thôn Tân Phụng làm rẫy, canh tác tại một số khu vực trên sườn núi, khu vực nghĩa địa của thôn nằm dưới chân núi Gò Dưa.
Tuy hai ngọn núi kể trên thấp và nhỏ nhưng lại rất quan trọng đối với thôn Tân Phụng, nó là tấm lá chắn bảo vệ thôn, là cột mốc để những ngư dân xác định hướng đi trên biển ... Đối với tuổi thơ của nhiều người Tân Phụng thì hai ngọn núi này là cả một thế giới cần được khám phá và có nhiều kỷ niệm.

  Hai ngọn núi này từng là căn cứ cách mạng phía đông huyện Phù Mỹ.