6/11/15

Tục thờ cúng Ông Nam Hải

   
Với phần lớn dân số tôn sùng đạo phật và tín ngưỡng đa thần, đồng thời trong quá trình di cư vào nam chịu ảnh hưởng thuật bùa phép, ếm đối của người Chăm nên ngư dân Tân Phụng cũng như các làng ven biển từ miền trung vào nam có những tục lệ thờ cúng rất phức tạp và luôn tin tưởng nhiệt thành. Mặt khác, làm nghề biển cũng có nhiều khó khăn, ngư dân cảm thấy mình nhỏ bé giữa muôn trùng sóng nước. Họ tự trấn an tinh thần bằng cách dựa vào những uy lực huyền bí để được hộ trì trong công việc cũng như đời sống thường ngày. Những vị thần linh mà họ thờ cúng gồm có những vị thần vô hình và hữu hình, trong đó có Ông Nam Hải (cá voi) và Ông Lược (cá heo).
   Cá Ông có tước hiệu “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần” gọi tắt là “Ông Nam Hải”. Với đặc điểm nổi bật là kích thước cơ thể lớn, mắt như mắt thú, đuôi nằm ngang như đuôi tôm, lưng màu đen mun, bụng màu trắng, có lỗ thở (lỗ đạo) trên đầu, lội nhanh và uyển chuyển. Ông Nam Hải là vị thần địa phương chỉ giới hạn ở những làng ven biển, phần lớn ngư dân vùng biển từ Quảng Bình trở vào Hà Tiên là thờ cúng Ông còn các tỉnh ven biển phía Bắc hầu như không thờ, vì vậy mới có câu “tại bắc vi ngư, tại nam vi thần”  (Nghĩa là tại miền bắc là cá còn tại miền nam là thần).
   Theo truyền thuyết của người Chăm, thủa xưa có một nhân vật có thật trong lịch sử của họ đã đến thánh địa Hồi giáo là Mecca để học kinh Koran. Sau khi học xong sẽ về truyền dạy lại cho người Chăm. Tuy nhiên, trên đường về chẳng may bị tai nạn trên biển. Ngài đã hóa thân vào Ikanlimưn (cá voi) để cứu giúp ngư dân vì vậy được người Chăm tôn thờ và tôn danh là Pô-Ri-Yak (Thần Sóng Biển). Ngoài ra, theo một truyền thuyết khác thì người Chăm còn cho rằng Ikanlimưn (cá voi) vốn là hóa thân từ vị thần Cha-aih-va, vì nôn nóng trở về quê hương sau bao ngày rèn luyện phép thuật nên đã cãi lại lời thầy, tự ý biến thành cá voi bơi ra biển để đi nên bị thầy giận và trừng phạt. Sau đó bị các thủy tộc ở biển hành hình, rồi bị hóa thân thành Thiên Nga và một số loài khác, sau cùng hóa thân trở lại làm người rồi đổi tên là Pô-Ri-Yak (Thần Sóng Biển). Từ đó, thần thường hay giúp ngư dân, mỗi khi nghe tiếng kêu cứu thần liền hóa thân thành cá voi bơi đến cứu, do đó thần được tôn thờ tại các làng ven biển của người Chăm.
   Người Việt lại có một truyền thuyết khác về Ông Nam Hải (đó là sự kết hợp giữa văn hóa biển của người Chăm và Phật Giáo Đại Thừa) như sau: Xưa kia Đức Phật Quan Âm trong một lần tuần du Đông Hải, thấy cảnh khó khăn và luôn đối diện với hiểm nguy của ngư dân nên người đã xé chiếc áo Cà Sa thành muôn mảnh thả trôi trên mặt biển và dùng phép biến thành Cá Ông, sau đó lấy bộ xương voi ban cho để có thân hình to lớn và ban phép thuật “thâu đường” lội thật nhanh để Cá Ông làm tròn nhiệm vụ cứu người.
   Trong sử Việt cũng có chép rằng: Khi vua Gia Long thua chạy bằng đường biển trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn đã gặp phải một cơn bão, thuyền sắp bị chìm thì được Cá Ông tới cứu. Sau khi thoát nạn và đặc biệt là sau khi đánh bại Tây Sơn, vua Gia Long đã sắc phong tước hiệu cho Cá Ông là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần” đồng thời có nhiều sắc phong cho các đình làng ven biển thờ Ông Nam Hải. Cũng từ đó vốn dĩ Ông Nam Hải đã được thờ cúng tại các Lăng ven biển từ trước lại càng được tôn thờ hơn.
   Với bản tính hiền lành, không làm hại người, cá Ông là ân nhân của nhiều ngư dân. Giúp đỡ ngư dân đánh được nhiều tôm cá và cứu vớt người trong hoạn nạn. Ông còn có tên gọi khác tùy vào đặc điểm: Ông khơi, Ông lộng, Cậu, Cô... Trước đây, mỗi khi thấy Ông xuất hiện trên mặt nước, ngư dân nghĩ rằng ông đang ăn một bầy cá hoặc một đàn ruốc, liền lái ghe đến gần để đánh lưới và tin rằng sẽ trúng nhiều cá vì Ông sẽ bỏ đi nơi khác để ngư dân đánh lưới. Nhiều người từng được cá Ông cứu sống kể lại rằng trong lúc gặp nạn họ cầu khẩn, van vái thì liền được Ông xuất hiện đưa lưng nâng ghe hoặc để người gặp nạn bám trên lưng mình và từ từ lội vào bờ.
   Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn, mỗi khi ông “lị” hoặc “lụy” (chết) thì tất cả ngư dân trong thôn lập tức họp nhau lại để rước xác đem về chôn cất vô cùng trọng thể. Người đầu tiên gặp được xác ông và rước về sẽ được để tang như con chịu tang cha, mẹ. Ngư dân tin rằng khi Ông lị thì có một ông khác kê lưng dìu vào gần bờ và lên vòi nước (dùng lổ thở xịt nước lên cao) để cho ngư dân trông thấy mà rước xác về chôn cất. Cá ông chết luôn nằm ngửa bụng, ngư dân cho rằng ông muốn giữ bộ đồ lòng khỏi bị các loài cá khác ăn. Ngoài ra còn có một cặp cá đao (cá đao là một loài cá lớn có mỏ dài toàn xương cứng và dẹp, hai bên có hai hàng răng bén nhọn, thường ở gần ông nên ngư phủ gọi là tả hữu tướng quân theo phò ông), một cặp tôm và một cặp mực thật lớn là chư vị tướng quân theo phò Ông Nam Hải lúc sống và giữ gìn thi thể khi chết cho đến khi ngư dân rước xác thì mới hết nhiệm vụ.
   Ngư dân trong thôn tiến hành chôn ông tại những bãi cát gần biển hoặc trong khuôn viên lăng nếu là ông nhỏ, còn nếu cá Ông quá lớn thì neo xác dưới nước trong vòng lưới tại chổ êm sóng gần bờ. Những năm sau này, người ta còn dùng xe để kéo xác ông lớn lên chôn trên các bãi cát cho tiện việc thờ cúng và cũng để tỏ lòng tôn kính. Ngư dân trong thôn còn cho rằng xác ông không hôi thúi như cá khác và không bao giờ bị ruồi bu, đồng thời cũng kiêng kỵ những việc nói xấu về xác cá Ông vì sợ ông quở trách. Khi thịt cá Ông đã phân huỷ hết, ngư dân tiến hành hốt trọn bộ cốt giao cho những người lớn tuổi trong thôn tự tay rữa thật sạch bằng rượu trắng, phơi khô, cho vào rương rồi thờ trong lăng. Hiện nay, tại lăng của thôn Tân Phụng thờ rất nhiều bộ cốt ông. Những bộ cốt nhỏ được đặt vào trong rương, ở hai đầu mỗi rương đều được đánh dấu "thượng", "hạ" bằng chữ hán để khi xếp cốt vào không bị lộn. Những bộ cốt lớn không xếp vừa trong rương thì người ta dựng riêng các tủ kính để thờ.
   Bộ xương ông gọi là Ngọc Cốt có màu vàng đục, ửng hồng, cứng chắc, để thờ lâu năm vẫn không hư mục, không hôi thúi và thả xuống nước không bị chìm. Ngư dân tin tưởng ngọc cốt vẫn linh thiên như ông khi còn sống, thỉnh thoảng trong ngày mùa mà không đánh được cá họ làm lễ Rưới ngọc cốt. Họ lấy rượu trắng rưới lên bộ xương cá ông và phơi ngoài nắng (Một số người hứng rượu đó đem về rưới lên giàn lưới để cầu xin được nhiều may mắn. Ngọc cốt còn được ngư dân thỉnh về trị bệnh ban trái hoặc trừ chứng mắc con sát của trẻ con – một chứng bệnh của trẻ con mà người ta tin rằng do quỹ “con sát” bắt).
   
Hàng năm lăng có lệ cúng ông và các lệ cúng khác. Cúng xuân vào khoảng rằm đến 20 tháng giêng; Cúng thu vào khoảng rằm tháng 8 âm lịch; Cúng cầu ngư vào tháng 4 âm lịch. Lễ cúng ông ngày xưa cũng như bây giờ lúc nào cũng trọng thể. Ngư dân trong thôn chung tiền làm lễ và rước đoàn hát bội về trình diễn. Ngày đầu tiên là hát chèo hầu hay còn gọi là hò bá trạo, một buổi hát đặc biệt theo lối hát bội, các kép hát đóng vai các ngư dân đi ghe, các kép này là những ngư dân trong thôn. Kế đó là hát cầu quê, buổi hát cầu quê kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ và hát những tuồng nói về Quang Công trong chuyện Tam Quốc. Sau đó là những buổi hát chính, các buổi hát chính đoàn hát sẽ diễn các tuồng tích theo các truyện cổ bên tàu. Trong buổi hát các ông lớn tuổi và các đại diện ngư dân ngồi cầm chầu, thưởng tiền bằng cách ném chầu có kẹp sẵng tiền lên sân khấu cho người diễn chụp, nếu thưởng chung thì chỉ ném tiền chứ không ném chầu. Tiền thưởng có thể do từng người bỏ ra hoặc là trích ra từ tổng số tiền của dân đóng góp. Có những năm người ta không ném tiền mà ném thẻ làm bằng tre, mỗi thẻ này được quy ước bằng một số tiền nhất định. Các đào, kép phải cố gắng hát thật hay để nhận được tiền thưởng này. Ngày tết nguyên đán ngư phủ mừng tuổi ông và xin xâm để biết mùa cá trong năm tới sẽ trúng hay thất.
   Vì tôn kính ông nam hải mãnh liệt như vậy nên ngư dân nào gặp được ông lỵ thì phải lo cho trọn nghĩa và tin rằng đó là điều may mắn. Người đầu tiên nhìn thấy xác ông lị được quyền bịt khăn tang màu đỏ và thực hiện tống táng ông theo cổ lệ. Sau 3 ngày làm lễ mở cửa mã, 21 ngày làm lễ cầu siêu, làm tuần 3 tháng 10 ngày, cúng giỗ hàng năm và đến khi làm lễ thượng ngọc cốt thỉnh vào lăng để thờ rồi mới xả tang.
   Trong thời gian thọ tang, người mang tang không dám bê tha rượu chè, hoặc làm những việc bậy bạ xúc phạm đến thần linh. Trong lúc để tang mà làm ăn không khá thì ngư dân cũng không hề phàn nàn vì họ tin tưởng rằng sau khi mãn tang sẽ được ông phù hộ làm ăn phát đạt.