6/11/15

Bánh in

   Bánh in là loại bánh bình dân, thường được làm vào những ngày giỗ, chạp mà đặc biệt là vào dịp tết nguyên đánĐể làm bánh in thì cần bột, đường, nhân bánh và khuôn.
    
Bánh in
Bột bánh in thường là bột nếp, bột đậu xanh hoặc bột năng. Bột là thành phần chính tạo nên hương vị và ảnh hưởng đến độ cứng của bánh. Trước đây người ta phải tự làm bột để đóng bánh in. Nếp phải lựa những hạt vừa cỡ để khi rang không bị hột này chưa chín hột kia đã bị cháy, nếp được vo sạch để cho ráo nước rồi đem rang. Đậu xanh được bóc vỏ, cũng vo sạch để ráo nước trước khi rang. Rang nếp, đậu xanh bằng trã đất hoặc chảo gang trên lửa than đến khi vừa chín vàng là được, nếu cháy quá sẽ tạo mùi khét còn yếu lửa thì khó xay. Sau khi rang xong thì xay bột bằng cối đá và dùng rây để rây bột cho thật mịn, phần bột nào chưa mịn thì đem xay lại. Bột nếp, bột đậu xanh sau khi xay xong thì đem phơi sương và để vài ngày trước khi làm bánh để bột khỏi rốc. Ngày nay các loại bột này được bán sẵn ngoài chợ, riêng bột đậu xanh thì người ta vẫn phải rang đậu nhưng đã có máy xay bột nên đỡ tốn công hơn nhiều.
   Đường bánh in là loại đường vàng hoặc đường cát trắng mịn được giả bằng cối cho nhuyễn rồi trộn trực tiếp với bột để làm bánh. Một số người lại cho đường vào chảo bắc lên bếp, nhỏ lửa để lúc sôi đường khỏi trào ra ngoài. Khi đường sôi - luôn tay quậy đều và nặn vào một vài giọt chanh để không bị lại đường (không có cát). Khi đường nhuyễn người ta nhắc xuống để nguội. Lúc làm bánh ta lấy muỗng nạo dần từ trên xuống. Sau này đã có loại đường dùng riêng để làm bánh in được bày bán sẵn.
   Nhân bánh in phổ biến nhất là nhân mè rang vàng giả nhỏ trộn đường, đây là loại nhân dễ làm và bánh in nhân mè để được lâu nên được nhiều người lựa chọn. Ngoài ra một số người còn làm nhân dừa hoặc nhân đậu xanh. Đậu xanh được bóc vỏ, nấu chín, tán nhuyễn, cho đường vào để trên lửa riu riu đến khi khô đặc thì nhắc xuống rồi vo thành từng viên nhỏNhân dừa cũng được làm giống như nhân đậu xanh, dừa khô được nạo nhỏ bằng dụng cụ nạo dừa hoặc bằng nắp ken (nắp của chai nước ngọt hoặc chai bia).
   
Khuôn bánh in
Khuôn bánh in: Thường thì có hai dạng khuôn là khuôn đúc và khuôn gỗ. Khuôn đúc là khuôn được làm bằng đồng hoặc nhôm có hình tròn hoặc hình vuông. Khuôn đúc gồm phần thân khuôn và các nắp khuôn, một khuôn đúc thường có bốn hoặc sáu nắp, trên các nắp người ta có khắc chữ phúc, chữ thọ hay hình bông mai, bông hồng, bông sen hoặc hình con gà, con trâu...Khuôn gỗ là một thanh gỗ dài, hình chữ nhật trên đó có đục 4 hoặc 5 khuôn nhỏ, những khuôn nhỏ này có thể là hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, hình trái tim và có khắc các hoa văn nổi.
   Khi làm bánh, có thể trộn bột với đường theo tỷ lệ khác nhau để tạo độ ngọt của bánh khác nhau tùy sở thích, thông thường là 1kg bột với 1kg đường. Người ta dùng chén để lường bột với đường theo tỉ lệ, trộn chung rồi dùng tay bóp cho thật đều. Sau khi chà bột với đường xong thì bắt đầu cho vào khuôn để tạo hình cho bánh. Cho bột vào chừng nửa khuôn rồi cho nhân bánh vào giữa, sau đó thêm một lớp bột lên trên cho đầy khuôn. Dùng tay ấn bột xuống để bột in chặt vào khuôn và tạo độ cứng cho bánh. Với khuôn gỗ thì dùng dao gạt bột cho bằng mặt khuôn, rồi úp khuôn xuống mâm, dùng cán dao hay chày nhỏ gõ đều ở lưng khuôn, các bánh ở trong khuôn sẽ rớt ra. Còn với khuôn đồng hoặc nhôm thì lấy nắp khuôn ấn lên trên, dùng tay ấn nắp khuôn xuống rồi kéo thân khuôn lên để bánh ra khỏi khuônsau đó một tay giữ bánh một tay giở nắp khuôn ra, giai đoạn giở nắp khuôn phải cẩn thận để hoa văn trên mặt bánh không bị hư. Bánh mới làm xong rất dễ bể, phải nhẹ tay khi di chuyển. Đối với bánh in làm bằng bột đậu xanh thì sau khi in bánh xong người ta hong bánh trên một cái mâm đặt trên bếp than nhỏ để tạo độ cứng.
   Bánh in làm xong được bỏ vào thúng, hoặc bầu theo từng lớp rồi đem treo trên trần nhà để tránh kiến và tránh trẻ em vì thèm quá mà lấy ăn.